PHÚC THỌ TÍCH CỰC CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN KHI CÒN LÀ VÙNG TỰ DO (12/1946 – 10/1948)
Ngày đăng 12/07/2024 | 3:45 PM  | View count: 39

      Trong 2 năm đầu sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, địa bàn huyện Phúc Thọ chưa bị quân đội Pháp chiếm đóng. Trong thời gian này, chính quyền huyện tích cực củng cố, xây dựng lực lượng, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến theo phương châm: “Toàn dân, toàn diện, trường kì, dựa vào sức mình là chính”.

       Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương, toàn huyện dấy lên một tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Công tác chỉ đạo và tổ chức hoạt động cũng được điều chỉnh phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Công tác tuyên truyền giải thích đường lối kháng chiến của Đảng đã được triển khai kịp thời và rộng khắp các xã. Chính quyền cách mạng từ huyện xuống cơ sở đã được tổ chức kiện toàn để chỉ đạo nhiệm vụ kháng chiến của địa phương. Phong trào xây dựng và củng cố lực lượng tự vệ chiến đấu diễn ra khẩn trương, đặc biệt là các xã ven đường 11A (nay là Quốc lộ 32).

       Sau khi thực dân Pháp tấn công mở rộng chiến tranh ở Thủ đô Hà Nội, các Ủy ban Tản cư của huyện cũng như các xã đã hoạt động sôi nổi, tuyên truyền vận động nhân dân quyên góp gạo, thịt, bánh để tiếp tế cho bộ đội và du kích các mặt trận. Công tác rào làng chiến đấu và tiêu thổ kháng chiến được quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

       Năm 1947, thực dân Pháp đã mở các đợt tấn công đánh chiếm phía tả ngạn sông Đáy (vùng Hoài Đức, Đan Phượng) nhằm xây dựng các phòng tuyến II và III bảo vệ cho Hà Nội. Phòng tuyến III của địch đã trực tiếp đe doạ khu vực Phúc Thọ. Trước tình hình đó, Huyện uỷ lãnh đạo hướng dẫn các xã nằm trong vùng bị uy hiếp cất giấu lương thực, tài sản, làm hầm, hào chống đạn pháo của địch, ngoài ra còn tổ chức tự vệ ngày đêm canh gác sẵn sàng tiêu diệt địch để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.

       Về công tác chính quyền, từ tháng 3/1947, các cấp trong huyện đã thành lập Ủy ban kháng chiến thay cho Ủy ban bảo vệ trước đây nhằm đào tạo và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, phục vụ yêu cầu của công cuộc kháng chiến.

Từ khi thực dân Pháp lập phòng tuyến III, vị trí Phùng (Đan Phượng) trực tiếp uy hiếp Phúc Thọ. Các xã nằm trong phạm vi địch uy hiếp đã chuyển hướng nhiệm vụ vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.

       Công tác xây dựng Đảng ở Phúc Thọ trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến đã có những bước phát triển mới. Tháng 8/1947, một số đảng viên ở xã Viên Sơn đã tách khỏi chi bộ ghép với Phùng Hưng để thành lập chi bộ riêng. Đầu tháng 10/1947, Chi bộ ghép Ngọc Tảo – Phụng Thượng cũng tách ra thành 2 chi bộ. Chi bộ Ngọc Tảo gồm 3 đảng viên và Chi bộ Phụng Thượng gồm 5 đảng viên. Cũng trong tháng 10/1947, Chi bộ Võng Xuyên chính thức được thành lập gồm 9 đảng viên. Một số chi bộ khác cũng được thành lập thời kì này như Chi bộ Cẩm Đình, Phương Độ, Sen Chiểu, Long Xuyên và Chi bộ ghép Vân – Đốc. Cuối năm 1947, Đảng bộ Phúc Thọ gồm có 11 chi bộ trong đó có 1 chi bộ cơ quan huyện. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã trưởng thành về mọi mặt, số lượng chi bộ cũng được nâng lên.

       Từ cuối năm 1947, tại các địa phương, Ủy ban hành chính đã hợp nhất với Ủy ban kháng chiến để thống nhất sự chỉ đạo quản lí hành chính và nhiệm vụ kháng chiến, gọi là Ủy ban kháng chiến – hành chính.

       Nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, ngày 14/4/1947, Huyện đội Phúc Thọ được thành lập, do ông Nguyễn Văn Soạn (xã Phương Độ, nay thuộc Sen Phương) là Huyện đội trưởng, ông Nguyễn Bằng (xã Sen Chiểu, nay thuộc Sen Phương) là Chính trị viên. Tiếp đến, Trung đội du kích tập trung đầu tiên của huyện được thành lập với 36 đội viên. Huyện nhà còn phối hợp với 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai xây dựng 1 xưởng chế tạo vũ khí, góp phần bổ sung trang bị cho lực lượng du kích địa phương.

       Trong thời gian này, Phúc Thọ tuy là vùng tự do, nhưng thực dân Pháp đã nhiều lần tổ chức càn quét lên các xã, như Ngọc Tảo (25/9/1947), Phụng Thượng (21/12/1947), gây ra muôn vàn tội ác cho quân và dân Phúc Thọ. Nhưng dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, trực tiếp là Huyện ủy Phúc Thọ, với sự chuẩn bị khẩn trương, tích cực, quân dân Phúc Thọ đã đánh chặn và giành những thắng lợi to lớn. Quá trình xây dựng và chiến đấu bảo vệ địa bàn trong giai đoạn này đã để lại những kinh nghiệm bổ ích cho huyện Phúc Thọ trong những giai đoạn sau.

                            BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY