XÂY DỰNG, CỦNG CỐ VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (9/1945 – 12/1946)
Ngày đăng 12/07/2024 | 10:14 AM  | View count: 42

      Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Phúc Thọ cùng đồng bào cả nước từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Ngay sau khi cách mạng thành công, nhân dân Phúc Thọ với đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đó là hiểm họa thù trong, giặc ngoài uy hiếp nghiêm trọng cuộc sống mới và chính quyền cách mạng.

       Trước tình hình đó, chính quyền cách mạng lâm thời các xã đã tổ chức, vận động nhân dân tham gia 3 cuộc vận động lớn, đó là: chống nạn đói, chống nạn mù chữ và chống giặc ngoại xâm.

       Nhằm đối phó với nạn lụt năm 1945, Ủy ban cách mạng lâm thời huyện đã huy động nhân dân tập trung tu sửa đê điều. Để giải quyết nạn đói, toàn huyện dấy lên phong trào đoàn kết giúp đỡ nhau, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”; thực hành tiết kiệm theo lời dạy của Bác Hồ: “Cứ 10 ngày nhịn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó đi cứu dân nghèo”. Huyện phát động nhân dân tăng gia sản xuất với tinh thần “tấc đất tấc vàng”; thực hiện giảm tô, giảm tức cho nhân dân. Nhờ vậy nạn đói từng bước được đẩy lùi.

       Để xóa giặc dốt, với tinh thần “người biết chữ dạy người chưa biết chữ”, phong trào xóa nạn mù chữ trên địa bàn huyện thu được nhiều kết quả. Phong trào bình dân học vụ được phát động. Nhiều lớp học ban trưa, buổi tối được hình thành. Một số xã có sáng kiến làm “cổng sáng”, “cổng mù” để khuyến khích mọi người có quyết tâm đi học. Xã Võng Xuyên là xã có phong trào thi đua “diệt giặc dốt” mạnh nhất. Cuối năm 1946 Võng Xuyên được chính quyền tỉnh Sơn Tây công nhận đã xóa xong nạn mù chữ và được tặng ảnh Bác Hồ.

       Hưởng ứng “tuần lễ vàng” của Trung ương, cán bộ và nhân dân huyện Phúc Thọ tự nguyện ủng hộ những đồng tiền dành dụm được cho cách mạng. Một số gia đình khá giả đã hăng hái đã mang cả dây chuyền, nhẫn, hoa tai, vòng bạc… đóng góp vào Quỹ độc lập. Những việc làm cao đẹp đó đã góp phần giải quyết những khó khăn tài chính của nước ta lúc bấy giờ.

       Để giữ vững thành quả cách mạng, thực hiện phương châm của Trung ương Đảng: cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, lực lượng tự vệ huyện đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh truy quét lực lượng Đại Việt. Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện có thái độ cứng rắn với những sách nhiễu của quân Tưởng. Mặt khác chính quyền vẫn cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân đội Tưởng nhằm tránh mâu thuẫn và hạn chế tình trạng quấy phá của chúng. Nhiều địa phương ở ven đường 11A có những biện pháp thể hiện ý chí tự chủ. Bằng nhiều hình thức, quân và dân Phúc Thọ đã tránh được những va chạm không cần thiết, hạn chế được sự quá khích của giặc Tưởng và tay sai, nhằm cùng cả nước có thêm thời gian hòa bình cần thiết để củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, phát triển lực lượng vũ trang, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp sau này.

       Thực hiện chủ trương trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945 “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân”; ngày 06/1/1946 được ấn định là ngày Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự tỉnh Sơn Tây, sự chỉ đạo chặt chẽ của Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện, công tác bầu cử ở Phúc Thọ đạt kết qủa tốt. Đây là lần đầu tiên, cử tri huyện Phúc Thọ được làm nghĩa vụ công dân, tự tay mình cầm lá phiếu lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Văn Thái (quê xã Phương Độ, nay thuộc xã Sen Phương) đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I, là niềm vinh dự và tự hào chung cho địa phương.

       Tiếp theo thắng lợi của tổng tuyển cử, tháng 4/1946, Mặt trận Việt Minh huyện tổ chức, lãnh đạo các xã bầu cử HĐND cấp tỉnh và xã để điều hành công việc chung của địa phương. Sau phiên họp đầu tiên của HĐND các xã, Ủy ban hành chính các xã ra đời, trực tiếp quản lý hành chính theo thể chế dân chủ. Tiếp đó, hội nghị đại biểu toàn huyện được triệu tập và đồng chí Lê Quân đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Phúc Thọ.

       Cũng trong thời gian này, Ban cán sự huyện Phúc Thọ được thành lập. Tháng 4/1946, Tỉnh ủy lâm thời Sơn Tây đã quyết định chuyển Ban cán sự huyện thành Huyện ủy lâm thời huyện Phúc Thọ, chỉ định 5 đồng chí vào Ban Huyện ủy, do đồng chí Phạm Thạch Tâm làm Bí thư.

       Cuối năm 1946, trong phạm vi cả nước, tình hình diễn biến ngày một xấu hơn. Ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác, thực dân Pháp càng lộ rõ bản chất hiếu chiến, lộ rõ âm mưu tái lập lại ách đô hộ đối với Việt Nam. Cuối tháng 11/1946, thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn. Đầu tháng 12/1946, chúng liên tiếp gây hấn ở Hà Nội, đưa tối hậu thư yêu cầu lực lượng tự vệ của ta rời khỏi Thủ đô Hà Nội... Những hành động đó của thực dân Pháp đi ngược lại với thiện chí hoà bình của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

       Trước tình thế khẩn cấp đối với vận mệnh dân tộc, tối ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, hiệu triệu toàn dân cầm vũ khí đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc với tinh thần “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và quân dân Phúc Thọ đã sẵn sàng. Khắp các nẻo đường, ngõ xóm trên địa bàn huyện đã dấy lên một khí thế quyết chiến quyết thắng thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc. Trong những ngày đầu kháng chiến, nhiều con em của Phúc Thọ đã tham gia lực lượng Vệ quốc đoàn, trực tiếp chiến đấu tại Thủ đô Hà Nội. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tiêu biểu như các chiến sĩ: Đỗ Văn Cúc, Hoàng Văn Chiểu, Nguyễn Văn Ơn ở xã Phụng Thượng.

                      BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY