Bước sang năm 1954, trên địa bàn huyện Phúc Thọ, cục diện giằng co giữa lực lượng kháng chiến và thực dân Pháp vẫn tiếp tục. Đến tháng 2/1954, Phúc Thọ còn 4 xã cơ sở trắng là Ngọc Tảo, Long Xuyên, Phương Độ và Sen Chiểu. Các xã khác tuy bị địch quấy rối mạnh nhưng cán bộ vẫn kiên trì bám sát địa phương. Cán bộ xã Lạc Trị phải nằm nhờ xã Trạch Mỹ Lộc (Tùng Thiện) để làm bàn đạp về địa phương gây dựng phong trào. Trước những thắng lợi trên các chiến trường, quần chúng nhân dân trong huyện ngày càng phấn khởi, tin tưởng về kháng chiến.
Sang năm 1954, Đảng bộ và quân, dân Phúc Thọ đã tiến hành mở khu du kích, đẩy mạnh kháng chiến chống Pháp, giành thắng lợi hoàn toàn, góp phần giải phóng quê hương, đất nước.
Ngày 27 và 28/2/1954, Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Tây đã họp Hội nghị mở rộng và đề ra chủ trương: “Tích cực tranh thủ thời cơ, đẩy đấu tranh vũ trang lên một bước cao hơn và rộng hơn, tiêu diệt một phần sinh lực địch, mở và phát triển khu du kích, đưa phong trào kháng chiến Sơn Tây phát triển hòa nhịp với chiến trường chung, thiết thực phối hợp với chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954”.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của cấp trên, Huyện ủy và Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện tổ chức tuyên truyền, vận động quân và dân trong huyện nêu cao tinh thần yêu nước, căm thù giặc, đẩy mạnh kháng chiến. Ngày 27/3/1954, Ban Thường vụ Huyện ủy ra Chỉ thị số 24-CT/HU với nội dung chủ yếu: nhận thức rõ thắng lợi vừa qua và những mặt còn yếu, tích cực đẩy mạnh đấu tranh chính trị, tư tương, địch vận, tiến tới đấu tranh vũ trang, giải phóng quê hương. Thực hiện Chủ trương trên, Huyện ủy quyết định mở khu du kích miền bãi, kết hợp đấu tranh giải tán tề ngụy ở vùng đồng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, các xã trong toàn huyện tích cực chuẩn bị công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đấu tranh đòi địch tu sửa đê điều, bảo vệ sản xuất; vạch mặt bọn do thám chỉ điểm; chống bắt lính, giải phóng ban tề và tiến hành đẩy mạnh đấu tranh vũ trang…
Đêm ngày 31/3/1954, Huyện ủy Phúc Thọ quyết định lãnh đạo các cơ sở tiến hành đánh, quấy rối ở một số nơi như Kim Lũ, Phụng Thượng, Gia Hòa (Lạc Trị). Bị thất bại nặng nề, địch lập tức mở những cuộc càn quét khủng bố nhằm dập tắt ý chí, tinh thần kháng chiến của quân và dân ta. 5 giờ sáng ngày 7/4/1954, địch mở cuộc tấn công vào một số xã, như xã Cẩm Đình, Đốc Ngữ và Vân Cốc, theo 2 hướng: từ Sơn Tây đánh xuống và từ Phùng đánh lên với sự yểm trợ của máy bay, 8 xe tăng, 80 xe quân sự, 3 ca nô và 3 tiểu đoàn, phần lớn là lính Âu Phi phối hợp với Bảo chính đoàn. Do có sự chuẩn bị, lực lượng của ta chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, 5 lần đánh bại các cuộc tiến công của địch buộc chúng phải rút lui. Quân ta tiêu diệt hơn 100 quân địch, phá hủy 2 xe tăng và 2 xe quân sự; phía ta hy sinh 6 chiến sĩ, 13 người bị thương và 20 dân thường đã chết.
Ngày 29/4/1954, thực dân Pháp với lực lượng 1 đại đội dùng xe tăng và pháo binh càn quét vào các xã Cẩm Đình, Phương Độ, Sen Chiểu. Quân ta đã đập tan cuộc càn quét này, diệt và làm bị thương 6 tên địch, buộc chúng phải rút lui.
Ngày 6/5/1954, quân và dân ta tiếp tục giành thắng lợi lớn trong trận chống càn quét 1 tiểu đoàn địch ở các xã Cẩm Đình, Xuân Phú, Vân Cốc. Trận này, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn có sự yểm trợ của xe tăng và xe quân sự tiến qua đê Sen Chiểu, Cẩm Đình và đánh rải từ Phú Châu đến Cựu Lục, các thôn: Triệu Xuyên, Phú Châu, xóm Lầy (Vân Cốc). Quân và dân ta bí mật mai phục. Khi chúng lọt vào trận địa phục kích ở đê, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công tiêu diệt, đập tan các cuộc phan công của chúng.
Ngày 8/5/1954, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính huyện chủ động mở một trận đánh lớn vào Phụng Thượng - một vị trí quan trọng của địch nằm trên đường 11A (Quốc lộ 32 ngày nay). Nhờ bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ chỉ sau 25 phút chiến đấu, quân ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt 26 tên địch và thu nhiều vũ khí; phía ta có 9 đồng chí hy sinh, 40 người bị thương, 15 dân thường chết.
Từ ngày 19 đến 22/6/1954, thực dân Pháp cay cú huy động một lực lượng 2.000 quân có sự yểm trợ của 34 xe tăng, 12 ca nô, 7 máy bay và 2 binh đoàn cơ động mở trận càn quét lớn vào khu du kích Hữu Hà (Vân Cốc). Sau 4 ngày chiến đấu oanh liệt, nhân dân và lực lượng du kích Phúc Thọ phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương đã bẻ gãy trận càn lớn của địch, tiêu diệt 113 tên địch, thu 2 tiểu liên, 3 súng trường cùng nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác... Cuộc chống càn thắng lợi có tác động cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân toàn huyện.
Giai đoạn này số lượng cán bộ Huyện uỷ không được đầy đủ do những nguyên nhân như thuyên chuyển công tác, một số hi sinh hoặc bị thương... nên chỉ còn 4 đồng chí Huyện uỷ viên trực tiếp lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ kháng chiến.
Do thất bại thảm hại ở chiến trường Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 26/7/1954, huyện Phúc Thọ nhận được chỉ thị của Tỉnh ủy Sơn Tây về việc thi hành lệnh ngừng bắn. Theo nội dung của Hiệp định Giơnevơ, quân đội Pháp sẽ rút khỏi Sơn Tây vào ngày 05/8/1954, song trước khí thế của phong trào kháng chiến ở địa phương, quân Pháp buộc phải rút trước 2 ngày. Đúng 15 giờ ngày 03/8/1954, những tên lính Pháp cuối cùng ở bốt Gia Hòa và bốt Phụng Thượng đã quấn cờ rút lui, chấm dứt sự chiếm đóng của thực dân Pháp trên quê hương Phúc Thọ. Từ đây, huyện Phúc Thọ hoàn toàn giải phóng.
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi trên mảnh đất quê hương Phúc Thọ là một trong những chiến công vĩ đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, góp phần giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954). Với chiến thắng vô cùng to lớn này đã khẳng định đường lối, phương pháp cách mạng của Đảng ta mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Sơn Tây và Huyện ủy Phúc Thọ là hoàn toàn đúng đắn. Đây là kết quả xứng đáng của cuộc đấu tranh bền bỉ, gian khổ, anh dũng, là minh chứng tuyệt vời cho tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất, đoàn kết của quân và dân Phúc Thọ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY