Phúc Thọ họp khẩn, chỉ đạo ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông
Ngày đăng 10/09/2024 | 6:50 PM  | View count: 93

 

           Chiều 10/9, đồng chí Nguyễn Đình Sơn – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp khẩn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện về công tác ứng phó với lũ lớn trên các tuyến sông.

           Thông tin tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thu – HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện mực nước trên sông Hồng đo tại Sơn Tây là 11,58m (Báo động 1 là 12,4m); mực nước sông Tích đo tại Kim Quan là 8,60m (Báo động 3 là 8,4m); mực nước sông Đáy đo tại Ba Thá là 6,28m (Báo động 2 là 6,5m). Trên lưu vực sông Đà, lưu lượng nước đến Hòa Bình đang tăng nhanh, hồ đang mở 02 cửa xả đáy và sẽ tiếp tục mở thêm. Mực nước trên các sông đang lên rất nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn. Mưa lớn kết hợp mực nước sông lên cao nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, bãi nổi ngoài đê với thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê,...Trước tình hình khẩn cấp, UBND huyện đã ban hành Công điện về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.

Toàn cảnh cuộc họp

 Đồng chí Lê Văn Thu - HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện thông qua Công điện của UBND huyện về tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông

Đại biểu tham dự cuộc họp

           Nhấn mạnh nguy cơ mất an toàn lớn từ mực nước sông lên cao, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Sơn đề nghị các phòng, ban, ngành huyện tuyệt đối không chủ quan, ứng phó mưa lũ theo tinh thần từ sớm từ xa và sẵn sàng các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức ứng trực, nắm bắt tình hình xả lũ để thông tin kịp thời đến người dân tại các địa phương biết, chủ động phòng tránh. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp. Tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Huyện khi có sự cố, tình huống bất thường; duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấy có thể xảy ra. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình mưa lũ; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác tình hình mưa lũ, các biện pháp phòng tránh, ứng phó đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai giải toả cây đổ, cành gãy, xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh; Sẵn sàng huy động phương tiện để hỗ trợ di dời người dân, tài sản tại các khu vực nguy hiểm.

            Nguồn, ảnh: Thu Huyền.