70 năm sau Ngày Giải phóng - Phúc Thọ viết tiếp trang sử hào hùng!
Ngày đăng 24/07/2024 | 7:08 PM  | View count: 171

 

           Chiến tranh đã lùi xa, nhưng Ngày Giải phóng huyện Phúc Thọ (3/8/1954) vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử, là mốc son chói lọi trong lịch sử xây dựng và phát triển quê hương.

           Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người dân Phúc Thọ và đồng bào cả nước trở thành chủ nhân của đất nước, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Niềm vui đó chưa được bao lâu thì ngày 23/9/1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ của thực dân Anh đã nổ súng tấn công, đánh chiếm Sài Gòn, chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Đứng trước họa ngoại xâm, ngày 19/12/1946, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Bác Hồ, toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân Phúc Thọ đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ thành quả cách mạng, phát triển lực lượng, tích cực chuẩn bị kháng chiến.

           Với ý chí ngoan cường, sự chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh của quân dân Phúc Thọ đã được phát huy suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Genève, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của chúng trên đất nước ta và khôi phục hòa bình trên bán đảo Đông Dương

           Với thắng lợi của Hiệp định Genève, đúng 17 giờ ngày 3/8/1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi bốt Gia Hòa và Phụng Thượng, chấm dứt sự chiếm đóng của chúng trên quê hương Phúc Thọ. Từ đây, ngày 3/8/1954 trở thành Ngày giải phóng huyện - một mốc son vẻ vang trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương.

           Trải qua 70  năm xây dựng và phát triển (3/8/1954 – 3/8/2024), diện mạo của vùng đất 3 sông đã có nhiều đổi thay tích cực. Tốc độ phát triển kinh tế bình quân của huyện Phúc Thọ giai đoạn 2015 - 2022 đạt 9%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 69,5 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 1.121,7 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Đời sống Nhân dân ngày càng cải thiện và nâng cao. Đến nay, huyện có 12 xã, thị trấn không còn hộ nghèo, số hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 50 hộ, chiếm tỷ lệ 0,1%. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2020, huyện Phúc Thọ vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, huyện đang nỗ lực cải thiện các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao theo đúng tiến độ, lộ trình.

 Nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

 Năm 2020, huyện Phúc Thọ vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới 

Phối cảnh dự án Khu đô thị sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận tại huyện Phúc Thọ.

Công tác xây dựng Đảng được cấp uỷ các cấp huyện Phúc Thọ triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ và đạt nhiều kết quả rõ rệt.

 Huyện tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

           Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục được các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện quan tâm, chú trọng. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn hóa - xã hội; tăng cường đầu tư phát triển văn hoá. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng người Phúc Thọ, người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

           Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo: huyện tích cực triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo. Các nguồn lực được huy động đầu tư cho giáo dục ngày càng nhiều hơn, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư; công tác quản lý giáo dục được tăng cường; chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học được giữ vững và từng bước có tiến bộ.

           Chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, nâng cao chất lượng. Công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Các cấp, các ngành trong huyện tích cực đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động nguồn lực chung tay cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công; đời sống nhân dân và các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.

           Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường. Duy trì nghiêm công tác trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các ngày lễ, tết và các sự kiện chính trị quan trọng; trực cứu hộ, cứu nạn, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, cháy nổ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định.

           Công tác xây dựng Đảng được cấp uỷ các cấp huyện Phúc Thọ đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Trải qua XXI kỳ Đại hội, đến nay Đảng bộ huyện Phúc Thọ có 68 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với tổng số 8.759 đảng viên; các tổ chức cơ sở đảng được tổ chức theo mô hình đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy, trong đó có 20 đảng bộ xã, 01 đảng bộ thị trấn, 08 đảng bộ đơn vị sự nghiệp, 02 đảng bộ lực lượng vũ trang, 01 Đảng bộ khối Doanh nghiệp huyện Phúc Thọ và 36 chi bộ cơ sở. Toàn Đảng bộ Huyện có 377 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao. Xây dựng tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên. Nhiều chi bộ đưa việc tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt hằng tháng, quý, chuyên đề. Công tác khen thưởng thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng.

           MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả. Các hoạt động phong trào được đẩy mạnh; công tác cán bộ được quan tâm củng cố, kiện toàn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác tham mưu của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cho cấp ủy trong chăm lo vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

           Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Phúc Thọ định hướng phát triển theo hướng sinh thái, thông minh, bền vững; lấy thương mại, dịch vụ gắn với phát triển các đô thị sinh thái làm ngành kinh tế mũi nhọn; lấy nông nghiệp công nghệ cao làm nền tảng, và lấy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làm động lực cho sự phát triển. Huyện phấn đấu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 30.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh sang thương mại, dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, quyết tâm đưa Phúc Thọ phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

            Nguồn/Ảnh: Phương Huế