PHÁT HUY TRUYỀN THÔNG QUÊ HƯƠNG ANH HÙNG, XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG PHÚC THỌ NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP, VĂN MINH
Ngày đăng 18/07/2024 | 8:02 AM  | View count: 70

      Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời - dấu mốc lịch sử trong đại trong lịch sử dân tộc. Nhân dân Phúc Thọ và đồng bào cả nước trở thành chủ nhân của đất nước, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do… Niềm vui đó chưa được bao lâu, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp dã tâm xâm lược nước ta lần nữa. Ngày 19/12/1946, tiếng súng kháng chiến toàn quốc vang lên từ Thủ đô Hà Nội. Với ý chí “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng bộ và quân dân huyện Phúc Thọ quyết tâm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc và quê hương với khí thế “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

      Với đường lối toàn dân, toàn diện, trường kì và tự lực cánh sinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp của các địa phương bạn, các đơn vị quân đội chủ lực, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân huyện Phúc Thọ đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong 2 năm đầu (từ tháng 12/1946 đến tháng 10/1948), Phúc Thọ vẫn là vùng tự do. Thời gian này nhiệm vụ chính của Đảng bộ là xây dựng và củng cố lực lượng, ổn định đời sống nhân dân, tích cực chuẩn bị cho kháng chiến. Từ ngày 7/11/1948, quân dân Sơn Tây nói chung và Phúc Thọ nói riêng đã trực tiếp bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, đối diện trực tiếp với quân đội viễn chinh Pháp và tay sai. Huyện uỷ Phúc Thọ đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đã vượt qua gian nan, thử thách, từng bước giành thắng lợi. Ngày 03/8/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã cuốn cờ, rút khỏi bốt Gia Hòa và Phụng Thượng, đánh dấu mốc huyện Phúc Thọ hoàn toàn được giải phóng.

      Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại, khi phải đối diện với một lực lượng quân đội thực dân hùng mạnh, được trang bị hiện đại, lại có nhiều thủ đoạn và sự trợ giúp đắc lực của lực lượng tay sai, quân và dân Phúc Thọ đã chịu nhiều tổn thất hi sinh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên không chịu nổi gian khổ và sự tra tấn dã man của quân thù đã dao dộng, thoái thác nhiệm vụ, thậm chí có thành phần hèn nhát đầu đầu hàng. Mặc dù vậy đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân Phúc Thọ vẫn một lòng trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến, giữ vững niềm tin, kiên trì chiến đấu đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Từ thực tiễn chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm của cán bộ đảng viên và quân dân, tiêu biểu như Hoàng Thiện Kế, Bùi Gia Ấp, Nguyễn Văn Duy, Cao Thị Nấm, Đặng Thị Xuân... Nhiều tên đất tên làng đã trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng như “Lạc Trị kiên cường, Tả Hà anh dũng, Miền Bún hiên ngang diệt thù”.

      Tổng kết 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Phúc Thọ đã tiêu diệt 2.425 địch, trong đó có 295 sĩ quan và binh lính Pháp, làm bị thương 432, bắt sống 180 địch, thu và phá hỏng 69 xe quân sự, trong đó có 8 xe tăng và 4 xe bọc thép, bắn chìm 4 ca nô và làm bị thương 6 chiếc khác, thu 840 súng các loại cùng 30 tấn đạn được và nhiều quân trang quân dụng khác.

      Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Phúc Thọ đã huy động 1.678 thanh niên gia nhập quân đội và 13.500 lượt dân quân tham gia dân công hoả tuyến phục vụ các chiến dịch lớn như Sơn Tây, Hoà Bình, Điện Biên Phủ. Vì độc lập, tự do của dân tộc và sự nghiệp giải phóng quê hương, toàn huyện Phúc Thọ có 904 liệt sĩ và 120 thương binh.

      Ghi nhận những thành tích chung của quân dân Phúc Thọ trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Đảng và Nhà nước đã tặng 21 Huân chương Chiến công, 2 Huân chương Kháng chiến cho huyện và các xã. Toàn huyện có 53 gia đình được tặng bằng Có công với nước, 62 cá nhân và gia đình được tặng Kỉ niệm chương, 4.789 cá nhân được tặng Huân chương, Huy chương Chiến thắng và Huân chương Kháng chiến. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Phúc Thọ và 13 xã, thị trấn, 5 cá nhân đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

      Ngay sau ngày giải phóng, phát huy khí thế cách mạng, truyền thống yêu nước nồng nàn, quân và dân Phúc Thọ đã đoàn kết một lòng bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tái thiết quê hương; cùng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt; góp phần cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

      Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, cần cù, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi và giành thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, an ninh, quốc phòng…

      Sau 70 năm giải phóng, huyện Phúc Thọ ngày càng phát triển đi lên, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Từ một huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp, giờ đây, Phúc Thọ trở thành một huyện đang có những bước tiến mới. Phúc Thọ được thành phố Hà Nội quy hoạch là vùng sinh thái, phát triển du lịch và nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Nhiệm kỳ 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 9%/năm; năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 69,5 triệu đồng/người (tăng gần 6 lần so với năm 2010 đạt 12,3 triệu đồng/người); thu ngân sách năm 2023 đạt 949,3 tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước tới nay. Đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Năm 2010, huyện có 4.801 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,84% thì đến nay, toàn huyện có 12 xã, thị trấn không còn hộ nghèo, số hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 50 hộ, chiếm tỷ lệ 0,1%.

      Công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo Phúc Thọ ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp – an toàn; điện, đường, trường, trạm ngày càng được đầu tư, nâng cấp; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Đến hết năm 2018, có 20/20 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, các xã Hát Môn, Võng Xuyên đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

      Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại để thúc đẩy kinh tế phát triển. Các làng nghề ở Tam Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Hát Môn, Sen Phương, Tích Giang… với các sản phẩm từ nghề may, mộc, chế biến thực phẩm, hoa, cây cảnh đang ngày khẳng định chất lượng và thương hiệu trên thị trường. Huyện được Thành phố phê duyệt 6 cụm công nghiệp; trong đó có 04 cụm công nghiệp đã được khởi công, đầu tư xây dựng hạ tầng; 02 cụm công nghiệp đang tiếp tục được triển khai, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân…

      Có thể khẳng định, với những kết quả đã đạt được sẽ là tiền đề để Phúc Thọ tiếp tục chuyển mình vươn lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện cần phát huy truyền thống quê hương anh hùng, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng quê hương Phúc Thọ ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

                            BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY