1. Sự hình thành:
Trong dòng chảy của quá trình đổi mới và phát triển, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Hòa chung xu thế đó, xã Phúc Thọ được hình thành trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hành chính: xã Phụng Thượng, Phúc Hòa, Long Thượng, Trạch Mỹ Lộc, Tích Lộc và thị trấn Phúc Thọ – những vùng đất mang trong mình bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế phong phú, đa dạng.
2. Diện tích tự nhiên, vị trí địa lý, quy mô dân số
Sau sáp nhập, xã Phúc Thọ có diện tích tự nhiên 39,659 km2. Quy mô dân số: 76.445 người. Phía Bắc của xã giáp xã Phúc Lộc; phía Nam giáp huyện Thạch Thất cũ và thị xã Sơn Tây cũ; phía Đông giáp xã Hát Môn và phía Tây giáp thị xã Sơn Tây cũ.
Trên địa bàn xã có tuyến đường Quốc lộ 32 chạy qua, đây là tuyến đường giao thông chính và huyết mạch kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, trên địa bàn Phúc Thọ còn có các tuyến đường tỉnh chạy qua như: Tỉnh lộ 418, đường Tỉnh lộ 419 là tuyến giao thông liên khu vực, mật độ giao thông thường xuyên rất lớn. Theo định hướng quy hoạch, xã Phúc Thọ có các tuyến giao thông huyết mạch như: đường Trục Tây Thăng Long, Đường Trục Bắc Nam, đường Tỉnh lộ 416 đang được nghiên cứu chuẩn bị đầu tư để khởi công trong giai đoạn 2026-2030. Với vị trí địa lý trung tâm, xã Phúc Thọ có chức năng là nơi tập hợp, giao lưu, gắn kết tất cả các địa phương trong và ngoài khu vực. Vì vậy, Phúc Thọ có nhiều điều kiện để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.
Bản đồ danh giới xã Phúc Thọ sau khi sáp nhập
3. Đặc điểm kinh tế, xã hội
Mang trong mình dấu ấn riêng, Phúc Thọ cũng đã góp phần làm nên truyền thống hào hùng và bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất Xứ Đoài. Với nhiều địa danh nổi tiếng như: Trạch Mỹ Lộc - cái nôi phong trào cách mạng tiêu biểu của huyện Phúc Thọ xưa, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên và che chở nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung ương như: đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt…Nơi đây còn có di tích cách mạng và văn hóa tiêu biểu Miếu Thuần Mỹ – nơi hội họp bí mật thời kháng chiến và là một trong những địa điểm tổ chức bầu cử cấp cơ sở trong cuộc Tổng tuyển cử lịch sử ngày 06/1/1946; địa danh Tích Lộc – Vùng đất gắn bó với sông Tích, giàu truyền thống văn hóa; Phụng Thượng – nơi địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống học vấn, có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt, thành danh; Phúc Hoà – Địa bàn giàu truyền thống nông nghiệp và yêu nước; Long Thượng – nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường, có nhiều hoạt động bí mật của lực lượng vũ trang cách mạng và nuôi giấu cán bộ; Thị trấn Phúc Thọ không chỉ là trung tâm hành chính – chính trị của huyện xưa, mà còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, nơi hội tụ những giá trị văn hóa – lịch sử sâu sắc được hun đúc qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Không chỉ giàu truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng, bức tranh kinh tế – xã hội của xã Phúc Thọ hiện lên với nhiều gam màu tươi sáng, đa màu sắc. Xã có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, phát triển đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ tổng hợp, các khu vực phát triển bổ trợ cho nhau theo hướng đa chức năng, thuận lợi cho việc tổ chức không gian và quản lý phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch. Trong đó, khu vực thị trấn cũ tiếp tục giữ vai trò trung tâm hành chính – thương mại – dịch vụ, thì các khu vực như Phụng Thượng, Phúc Hòa, Long Thượng, Tích Lộc, Trạch Mỹ Lộc… lại giữ vững thế mạnh về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mô hình vườn – ao – chuồng, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung quy mô lớn và các ngành nghề truyền thống hoa, cây cảnh, mộc… mang bản sắc riêng. Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương.
Hệ thống cơ sở hạ tầng – kỹ thuật của Phúc Thọ từng bước được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Mạng lưới giao thông nông thôn được trải nhựa, bê tông hóa khang trang, kết nối thông suốt các thôn dân cư. Các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được quy hoạch hợp lý, tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, phục vụ thiết thực cho đời sống của người dân.
Không chỉ có lợi thế về phát triển kinh tế, xã Phúc Thọ còn là vùng đất cổ xứ Đoài, nơi hội tụ hệ thống di sản văn hoá phong phú và đa dạng. Theo thống kê của thành phố Hà Nội, xã có 73 di tích, có 40/73 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, có 01 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt là đình Tường Phiêu; 10 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 29 di tích xếp hạng cấp TP, còn lại 33 di tích chưa được xếp hạng. Hằng năm, xã có 21 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa Xuân, từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Trong đó, Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Di tích Quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu, xã Phúc Thọ
Phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao trên địa bàn xã tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở các thôn, xóm. Các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đời sống văn hóa mới ở khu dân cư được hưởng ứng sâu rộng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, đoàn kết, yêu nước, yêu quê hương, góp phần vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân, tạo môi trường sống nhân văn, lành mạnh, nghĩa tình.
Đặc biệt, sau khi sáp nhập, hệ thống chính trị của xã Phúc Thọ được kiện toàn, tổ chức bộ máy được sắp xếp khoa học, hợp lý, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu, đa nhiệm, đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc, lấy sự hài lòng của Nhân dân làm trung tâm cho mọi hoạt động phục vụ.
Giờ đây, khi chính thức bước sang một giai đoạn phát triển mới, tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo của Nhân dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền xã, cùng sự đồng lòng, tin tưởng của toàn thể hệ thống chính trị, sự ra đời của xã Phúc Thọ không chỉ là sự kết hợp về địa lý hành chính, mà còn mang trong mình một sứ mệnh cao cả và khát vọng lớn lao – trở thành địa phương năng động, hiện đại, nghĩa tình, là điểm sáng trong hành trình cùng Thủ đô và cả nước bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nguồn, ảnh: Phương Huế