KINH TẾ - CHÍNH TRỊ
Sáng 13/11, tại trụ sở UBND xã Vân Hà, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm Bưởi và một số cây ăn quả tiêu biểu khác cho cán bộ BVTV, Khuyến nông, HTX, đại diện các hộ dân tham gia trồng Bưởi, cây ăn quả ở các xã Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Hiệp Thuận, Hát Môn, Thanh Đa, Liên Hiệp, Tam Thuấn và Xuân Đình. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo một số phòng, ban, ngành của huyện và các xã.
Tại buổi tập huấn, đồng chí Lê Minh Tuấn – Chuyên viên Trung tâm Thẩm định sau cấp bằng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu tổng quan về Luật Sở hữu trí tuệ, hệ thống pháp luật Việt Nam về Sở hữu trí tuệ (SHTT); Đăng lý, quản lý, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu; Cập nhật các văn bản chính sách của Hà Nội về việc hỗ trợ hoạt động xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, đặc sản chủ lực, các sản phẩm OCOP. Đồng thời, hướng dẫn quy trình chuẩn bị thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu cho sản phẩm Bưởi và một số cây ăn quả tiêu biểu khác. Thực thi các quyền về SHTT; Bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm của địa phương.
Đại biểu tham dự Lớp tập huấn
Đồng chí Lê Minh Tuấn - Chuyên viên Trung tâm thẩm định sau cấp văn bằng, Cục Sở hữu trí tuệ truyền đạt nội dung tập huấn
Đại biểu tham quan mô hình trồng Bưởi của các hộ dân thuộc xã Vân Hà
Tham gia tập huấn, các học viên đã cùng trao đổi, thảo luận và được báo cáo viên giải đáp khó khăn, vướng mắc về các vấn đề thực tiễn phát sinh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Cung cấp thông tin về các dịch vụ tư vấn, hỗ để hợp tác xã, cá nhân kinh doanh, sản xuất dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ, xây dựng và phát triển thương hiệu dựa trên tài sản trí tuệ, giúp hộ dân nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường.
Thông qua lớp tập huấn góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ; tầm quan trọng, vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh công tác phối hợp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Từ đó, các học viên nhận thấy được việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cần thiết để cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thể xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của mình.
Nguồn: Minh Tuyết, ảnh: Vân Anh.