KINH TẾ - CHÍNH TRỊ
Sáng 24/10, Phòng Kinh tế huyện tổ chức đoàn làm việc với xã Liên Hiệp về công tác phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn xã.
Trên địa bàn xã Liên Hiệp trước đây có 02 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề chế biến nông sản Hiếu Hiệp và Làng nghề chế biến nông sản Hạ Hiệp (Chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến tinh bột sắn và các sản phẩm từ tinh bột sắn). Tuy nhiên hiện nay nghề chế biến tinh bột sắn không phát triển mà ngày càng mai một dần. Tại làng Hạ Hiệp và Hiếu Hiệp đang phát triển thêm một số ngành nghề như mộc, cơ khí, may mặc đang hoạt động, trong đó nghề mộc, cơ khí là nghề chủ yếu…. Số hộ tham gia làm nghề 850 hộ/2764 hộ (=30.75%), số lao động tham gia làm nghề 4180/7199 (= 58,1%), trung bình mỗi cơ sở có từ 5-6 lao động, nhiều lên tới 12-15 lao động. Năm 2024, duy trì ổn định sản xuất ngành nghề cơ khí, mộc, may mặc và các ngành tiểu thủ công nghiệp khác, doanh thu đạt được 1410 tỷ đồng chiếm 98% tổng giá trị sản xuất của làng, số lao động tham gia làm nghề là 4250/7250 lao động, chiếm 58,6% tổng số lao động trong độ tuổi hiện có của làng. Thu nhập bình quân năm 2024 của người làm nghề mộc, cơ khí, may mặc ước đạt từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 3 – 4 lần so với thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp.
Đoàn công tác làm việc tại UBND xã Liên Hiệp
Đoàn khảo sát thực tế tại một số hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã Liên Hiệp
Tại buổi kiểm tra, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng phát triển làng nghề, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển các ngành nghề, làng nghề trên địa bàn xã, cụ thể như: mặt bằng sản xuất cho các cơ sở, hộ sản xuất diện tích nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh; chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất còn chưa được xử lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường khu dân cư; phần lớn các cơ sở chưa đảm bảo được các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy,…giải pháp duy trì và phát triển bền vững, ổn định của làng nghề tại địa phương; hạn chế ô nhiễm môi trường và thu hút đầu tư phát triển làng nghề của địa phương; hướng đầu tư cụm công nghiệp quy hoạch đồng bộ về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với đặc điểm sản xuất tại địa phương;…
Tiếp đó, đoàn khảo sát thực tế tại hộ sản xuất cơ khí Trần Văn Quyết ,Thôn 8 (Khu Đầm Bến); hộ sản xuất may Nguyễn Chí Công, Thôn 1 và hộ sản xuất mộc Nguyễn Văn Chưởng tại thôn 2, xã Liên Hiệp.
Nguồn: Thu Huyền; ảnh: Thanh Thuỷ.